Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Saturday, November 23, 2024 4:56:49 PM

Huyện Văn Giang, Hưng Yên phát triển ngành trồng hoa, cây cảnh

11/10/2023

Mục lục

Nằm ở phía Tây bắc của tỉnh Hưng Yên, bên bờ tả ngạn sông Hồng, huyện Văn Giang có vị trí địa lý thuận lợi, phía Nam giáp huyện Khoái Châu, phía Đông Nam giáp huyện Yên Mỹ và huyện Văn Lâm của tỉnh Hưng Yên, phía Bắc và Tây Bắc giáp huyện Gia Lâm, phía Tây giáp huyện Thanh Trì và phía Tây Nam giáp huyện Thường Tín của thành phố Hà Nội.

Chính vì vậy, tốc độ đô thị hoá của huyện Văn Giang rất nhanh, diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày một thu hẹp, vì vậy trong sản xuất nông nghiệp huyện Văn Giang đã phát triển đồng bộ, nông nghiệp được sản xuất tập trung theo hướng hiện đại, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất.

Để tiết kiệm diện tích cũng như tăng năng suất, người dân đã trồng hoa trong chậu và treo giàn.

Dựa trên thế mạnh về nông nghiệp, với truyền thống sản xuất lâu năm, nông dân ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã nhanh nhạy trong tiếp cận với các loại cây trồng mới, áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, giờ đây nông nghiệp huyện Văn Giang đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Toàn Huyện hiện có trên 1.300 ha trồng hoa, cây cảnh các loại, hình thành hai vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung gồm: Vùng sản xuất hoa ở các xã: Xuân Quan, Phụng Công; vùng sản xuất cây cảnh ở các xã: Liên Nghĩa, Mễ Sở, Thắng Lợi và thị trấn Văn Giang. Các nhóm sản phẩm hoa, cây cảnh chủ lực của huyện Văn Giang gồm: Hoa cắt cành; hoa giỏ treo; cây trang trí viền, nền; cây cảnh có múi; cây cảnh bon sai với nhiều chủng loại, kiểu dáng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Để phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn, những năm gần đây, nhiều nhà vườn đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà màng để hạn chế ảnh hưởng của môi trường đến sinh trưởng và phát triển của hoa, cây cảnh; lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt, tưới nước phun sương nhằm tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, giúp tiết kiệm nước. Hàng năm, các địa phương và tổ chức hội, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền chuyển giao khoa học – kỹ thuật về sản xuất hoa, cây cảnh, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ, giá thể trồng hoa mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường. 

Thuận lợi, khó khăn

Trên địa bàn huyện có 8 làng nghề chuyên sản xuất hoa, cây cảnh, trong đó 4 làng nghề được UBND tỉnh công nhận: Làng nghề hoa, cây cảnh xã Xuân Quan; Làng nghề hoa, cây cảnh truyền thống xã Phụng Công; Làng nghề cây cảnh xã Thắng Lợi và Làng nghề hoa, cây cảnh xã Liên Nghĩa. 3 sản phẩm làng nghề được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể gồm “Quất cảnh Văn Giang”, “cam Văn Giang” và “Hoa Xuân Quan”. Đây là điều kiện thuận lợi để các địa phương duy trì và phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh, tạo điều kiện thuận lợi hình thành các tua du lịch trải nghiệm gắn với phát triển làng nghề. Mỗi năm doanh thu của các vùng trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn huyện đạt trung bình từ 600 – 800 triệu đồng/ha/năm; cá biệt có một số diện tích trồng hoa chất lượng cao cho doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm. Năm 2022, giá trị sản xuất ngành trồng trọt trên địa bàn huyện ước đạt trên 1 nghìn tỷ đồng; trong đó, giá trị sản xuất hoa, cây cảnh chiếm khoảng 90%.

Quất cảnh Văn Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể

Bên cạnh những thuận lợi trên thì cũng còn một số khó khăn như:  Việc sản xuất, tiêu thụ hoa, cây cảnh trên địa bàn huyện còn phát triển nhỏ lẻ, tự phát, chưa tương xứng với tiềm năng của nghề trồng hoa, cây cảnh ở địa phương.

Định hướng thời gian tới

Thời gian tới, huyện đã  khuyến khích các nhà vườn trồng cây cảnh có múi tập trung mở rộng nhóm cây cảnh có dáng độc đáo, phù hợp với khuôn viên nhà ở đô thị. Các xã Phụng Công, Xuân Quan xây dựng kế hoạch quy hoạch điểm trung chuyển, bán, giới thiệu sản phẩm hoa, cây cảnh khu vực ngoài bãi để bảo đảm an ninh nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tới tham quan, lựa chọn sản phẩm hoa, cây cảnh của làng nghề. Ngoài ra, huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT mở rộng đường giao thông khu vực ngoài bãi, hoàn thiện hệ thống thủy lợi vùng bãi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, các địa phương có diện tích đất ngoài đê sông Hồng đã khai thác tối đa đất sản xuất nông nghiệp để trồng hoa, cây cảnh, xen canh trồng rau màu, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Do đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung, huyện tạo điều kiện để người dân thuê đất, chuyển đổi đất sản xuất lúa ở các xã Vĩnh Khúc, Tân Tiến để sản xuất cây giống, cây nguyên liệu phục vụ cho các vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung trên địa bàn huyện như: Xuân Quan, Phụng Công, thị trấn Văn Giang…

Rất nhiều du khách đã đến thăm quan, chụp ảnh tại triển lãm hoa Xuân Quan

Với định hướng phát triển các vùng nông nghiệp cụ thể của tỉnh Hưng Yên nói chung và của huyện Văn Giang nói riêng,  bà con nông dân cần bám sát để phát triển các loại cây, con phù hợp với từng địa bàn, vị trí địa lý, thổ nhưỡng, địa hình, tập quán canh tác, thế mạnh của từng khu vực. Cũng chính từ đó mà chất lượng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Văn Giang ngày một nâng cao… Năm 2021, giá trị thu trên 1ha đất canh tác trên địa bàn huyện Văn Giang đạt 354 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 85,5 triệu đồng/năm. Đời sống người dân ngày một nâng cao, huyện Văn Giang cũng đang tích cực thực hiện các tiêu chí để hoàn thành nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới. 

HV

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng