Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Saturday, November 16, 2024 3:53:05 PM

Ngành tôm trước cơ hội lớn để mở rộng thị trường

09/11/2024

Mục lục

VNHS -Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện nay tôm Việt Nam xuất khẩu đến 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với 5 thị trường lớn gồm: châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ ba thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.

Hằng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40-45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5-4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta trong năm 2022 lập kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021. Về an sinh xã hội, ngành tôm đã tạo được thị trường ổn đinh giải quyết hơn 3 triệu lao động tham gia và có thu nhập tốt.

Nhận ra thị trường tiềm năng của con tôm, rất nhiều địa phương đã triển khai các mô hình nuôi tôm kết hợp cùng các ngành nghề khác đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Lấy ví dụ như tại tỉnh Trà Vinh, trong năm 2023-2024 từ nguồn vốn Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh đã thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú – lúa gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm”. Dự án được triển khai thực hiện phù hợp với nguyện vọng chính đáng của cộng đồng dân cư và chương trình mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương trong việc đẩy mạnh công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật kết hợp với phát triển kinh nghiệm truyền thống. Ứng dụng các biện pháp canh tác tôm - lúa theo hướng an toàn, hữu cơ, bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước và đa dạng sinh học tạo ra mô hình sinh kế bền vững cho người dân.

Mô hình tôm - lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang mang lại hiệu quả kinh tế cao

Sau thời gian triển khai, kết quả mô hình đã cho thấy rõ năng suất lúa và tôm đạt khá cao, trong đó năng suất lúa đạt 5,5 tấn/ha, tôm sú là 742kg/ha. Lúa được doanh nghiệp liên kết bao tiêu đầu ra cao hơn giá thị trường 1,7 lần. Tổng chi phí cho 01 ha mô hình này là 61.143.800 triệu đồng, tổng thu 193.580.000 triệu đồng, lợi nhuận cho 01 vụ lúa là 132.436.200 triệu đồng/ha. Năm 2024, dự án đang tiếp tục triển khai nhân rộng trên địa bàn 5 ấp của xã Hoà Minh huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh với quy mô là 25 hộ/25 ha.

Tuy nhiên hiện nay theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, bên cạnh những thành tựu đạt được của ngành tôm trong thời gian qua, ngành tôm vẫn chưa phát huy hết được những tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, con người và sự quan tâm của nhà nước.

Ngành tôm đang đứng trước cơ hội và tiềm năng lớn

Ngoài những hạn chế về nguồn lực tài chính, biến đổi khí hậu, quy hoạch,..thì một nguyên nhân chính là mối liên kết và quan hệ hợp tác giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị tôm còn rời rạc, lỏng lẻo và không hiệu quả, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tại Hội nghị tổng kết nhân rộng mô hình tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất trong ngành tôm do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Thủy sản phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An tổ chức mới đây, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận để giải quyết những vướng mắc trong phát triển ngành tôm Việt Nam. Trong đó, có các giải pháp chính như: về chính sách đất đai, dồn điền đổi thửa, chính sách về tài chính, tín dụng; phát triển các mô hình hợp tác, liên kết; Nghiên cứu, hình thành các doanh nghiệp trong nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm theo vùng sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị sản phẩm; Tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ…

Kích thước một con tôm thương phẩm tiêu chuẩn

Theo ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia:: Để phát triển liên kết, hợp tác ngành tôm ngày càng hiệu quả hơn, thời gian tới các địa phương trong cả nước cần phát triển các mô hình hợp tác, liên kết dựa trên việc tổ chức các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, chi hội nghề nghiệp để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung, làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt các khâu trung gian. Nuôi tôm nước lợ đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, đặc biệt tại các tỉnh ven biển. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn, ngành tôm cũng đối mặt với nhiều thách thức như sự biến động của thị trường, dịch bệnh và yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao. Chính vì vậy, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất là vô cùng cần thiết, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam, đảm bảo đầu ra ổn định cho người nuôi tôm và bảo vệ môi trường.

Trường MInh

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng