Mục lục
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có lợi thế. Việc nâng cao chất lượng, mẫu mã cũng như phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.
Những năm qua, Sơn La đã triển khai thực hiện đồng bộ các cơ chế chính sách hỗ trợ cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP. Từ năm 2019 đến nay, đã đánh giá, công nhận 110 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 51 sản phẩm 4 sao và 58 sản phẩm 3 sao. Hỗ trợ lắp đặt 12 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn toàn tỉnh... Tỉnh Sơn La phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 50% sản phẩm đã được xếp hạng 3 sao giai đoạn 2021-2025, được nâng hạng lên 4 sao. Có tối thiểu 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia, và có từ 40-50 sản phẩm OCOP của tỉnh xuất khẩu ra nước ngoài; 100% đơn vị cấp xã, có sản phẩm OCOP tham gia Chương trình và các HTX là chủ thể OCOP hoạt động xếp loại khá…
Nhằm phát triển sản phẩm OCOP Sơn La bền vững, tỉnh Sơn La đang củng cố, phát triển tổ chức kinh tế. Toàn tỉnh có 452 doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực ngành nông nghiệp (không tính doanh nghiệp, HTX hoạt động dịch vụ nông nghiệp), trong đó: trồng cây ăn quả có 216 tổ chức; trồng rau 38 tổ chức; thủy sản 74 tổ chức; chăn nuôi 29 tổ chức; cây lâu năm (chè, cà phê, mắc ca, dược liệu) có 45 tổ chức; bảo quản, chế biến nông sản 36 tổ chức; giống cây trồng và lĩnh vực khác 14 tổ chức.
Các sản phẩm OCOP của Sơn La không chỉ ngày càng đa dạng về bao bì, mẫu mã, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, mà còn từng bước gia tăng giá trị, góp phần giúp người nông dân, hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao thu nhập.
Ngoài ra, tỉnh Sơn La luôn chú trọng tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng trên địa bàn tỉnh; tập trung phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hoá của địa phương. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm gắn với việc phục hồi và phát triển các không gian du lịch, sản phẩm du lịch và xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, xây dựng các “điểm đến” về sản phẩm OCOP gắn với các hoạt động du lịch, văn hoá. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hoá quá trình chấm điểm, phân hạng sản phẩm.
Để sản phẩm OCOP gắn liền với phát triển du lịch
Có thể nói, sản phẩm OCOP và du lịch của Sơn La còn nhiều dư địa phát triển. Đây là lợi thế, cơ hội để địa phương và các chủ thể sản xuất kinh doanh khai thác; góp phần chuyển biến mạnh mẽ hơn trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, cần có thêm nhiều quy định chặt chẽ, chế tài về trách nhiệm của cơ sở kinh doanh du lịch, các điểm đến nếu để xảy ra tình trạng sản phẩm OCOP giả mạo, kém chất lượng; sử dụng rộng rãi công nghệ số, mã vạch giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP phải được chuẩn hoá và phát triển theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hoá của từng địa phương và yêu cầu thị trường; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, xây dựng các “điểm đến” về sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch, văn hoá.
Nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP, Sơn La đã xây dựng 10 điểm giới thiệu các sản phẩm OCOP và đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh ký kết biên Bản ghi nhớ, thiết lập mối quan hệ hợp tác với Ban Xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh nhằm tuyên truyền, quảng bá kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP của 2 tỉnh...
Đặc biệt, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, từ đầu năm 2022 đến nay, Sơn La đã tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra ngoài tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội chợ, tuần hàng tại Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh... để tăng cơ hội giao dịch trực tiếp với các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông, lâm, thủy sản. Qua đó, nhiều sản phẩm đã được hỗ trợ, thúc đẩy liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng tiêu thụ.
Thời gian tới, Sơn La xác định, chú trọng thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp gắn kết chặt chẽ với quy hoạch du lịch để đảm bảo định hướng phát triển bền vững và hỗ trợ lẫn nhau. Cùng với đó, tăng cường thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP để nâng cao chất lượng sản phẩm; đa dạng hóa các hoạt động quảng bá sản phẩm nông sản đặc trưng gắn với các lễ hội du lịch, các hoạt động du lịch với những quy mô khác nhau; đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong mô hình phát triển du lịch nông nghiệp. Thông qua đó, tạo môi trường thuận lợi để phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với du lịch theo hướng hiệu quả, bền vững, thiết thực, tăng thu nhập và nâng cao đời sống người nông dân trên địa bàn.
HV