Mục lục
Bác Hồ là lãnh tụ thiên tài, nhà văn hóa, nhà thơ kiệt xuất. Mùa xuân trong thơ Bác là mùa xuân của đất trời, của lòng người, là tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này. Thiên nhiên và mùa xuân đất nước luôn hòa quyện, sống động, phong phú và đa dạng trong thơ Bác.
Khi còn trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, Bác Viết: Trong tù không rượu cũng không hoa/ Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ/ Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ. Khi mới ra tù tập leo núi, Bác phác họa cảnh thiên nhiên thật tuyệt đẹp: Núi ấp ôm mây, mây ấp núi/ Lòng sông gương sáng, bụi không mờ/ Bồi hồi dạo bước Tây phong lĩnh/ Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa. Trở về nước sau một thời gian bôn ba ở hải ngoại, hình bóng quê hương, đất nước thân yêu như càng trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết đối với Bác. Người đã ôm hôn nắm đất quê hương khi mới đặt chân lên mảnh đất Cao Bằng, nơi địa dầu của Tổ quốc. Và trong thời gian lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc, mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng xúc cảm về thiên nhiên và mùa xuân đất nước vẫn không hề vơi cạn trong tâm tưởng của Người: Rằm xuân lồng lộng trăng soi. Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân. Giữa dòng bàn bạc việc quân. Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền. Năm 1945, Chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chuyển lên chiến khu Việt Bắc đã họp lần đầu trong một cái miếu trên đường đi giữa hai huyện miền núi. Sau cuộc họp có một bữa cơm thân mật với thịt lợn rừng vừa săn được và ngô nướng, rượu ngọt, chè tươi. Giữa chốn rừng xa lạ đầy gian khổ, thiếu thốn, để động viên tinh thần lạc quan của mọi người, Bác đã làm tặng bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc: Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay/ Vượn hót chim kêu suốt cả ngày/ Khách đến thì mời ngô nếp nướng/ Săn về thường chén thịt rừng quay/ Non xanh nước biếc tha hồ dạo/ Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say/ Kháng chiến thành công ta trở lại/ Trăng xưa, hạc cũ với xuân này. Thơ Xuân của Bác luôn ấm áp tình người, chan chứ tình thương bao la, được gửi đến toàn thể đồng bào, đồng chí.
Tình yêu thiên nhiên, mùa xuân đất nước của Bác không chỉ thể hiện ở trong các tác phẩm thơ ca, như là những sáng tạo nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân, mà nó còn được thể hiện trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Vì thế chúng ta có thể thấy những nơi Bác chọn làm chỗ ở và làm việc đều là những địa danh vừa đảm bảo sự bí mật thiết yếu về mặt an ninh, quốc phòng, vừa gần gũi với thiên nhiên, đất nước. Những địa danh đó chính là suối Lê Nin, núi Các Mác ở Pắc Bó, Cao Bằng, lán Nà Lừa ở Tân Trào, Tuyên Quang, khu Đá Chông ở Ba Vì, Hà Tây (cũ) và ngôi nhà sàn xung quanh có vườn cây, ao cá ở giữa thủ đô Hà Nội. Tình yêu thiên nhiên, mùa xuân đất nước ở Bác đã vượt lên trên việc ngắm cảnh hay ngâm vịnh, mà quan trọng hơn là tình yêu ấy đã được thể hiện thành những việc làm rất cụ thể, thiết thực trong việc bảo vệ, giữ gìn tài sản vô giá của quốc gia, dân tộc. Bác căn dặn: “Trồng cây gây rừng là rất quan trọng. Bây giờ dân chưa thấy đâu. Có khi các chú cũng chưa thấy”. Có lần Bác đã giải thích một cách giản dị về tầm quan trọng của việc trồng cây gây rừng: “Nếu rừng cạn kiệt thì không còn gỗ và mất nguồn nước thì ruộng nương mất mầu, gây ra lụt lội và hạn hán... Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công nhân phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít thì rất tai hại... Phá rừng thì dễ, nhưng gây lại rừng phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống”. Và Người xem việc phá rừng không có kế hoạch là hành vi “đem vàng đổ xuống biển”. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng và đón Tết âm lịch Canh Tý, Bác Hồ chính thức phát động phong trào Tết trồng cây trong cả nước. Phong trào diễn ra trong vòng 1 tháng từ 6/1 đến 6/2/1960. Và hai câu thơ này được Bác viết từ dịp ấy: Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.
Nhà thơ Quang Thanh