Mục lục
Trong khoảng gần chục năm trở lại đây, một số hộ nông dân ở các xã như: Xuân Quan, Phụng Công, Liên Nghĩa… (huyện Văn Giang, Hưng Yên) đã thực sự “đổi đời” nhờ cung cách làm kinh tế mới, đó là: Trồng cây quất cảnh nhưng để bán quả, không bán cây vào dịp Tết như truyền thống! Thông thường bấy lâu người ta thường chỉ trồng cây quất phục vụ nhu cầu cho việc trưng bày, trang trí trong các gia đình vào ngày Tết, và người nông dân trồng loại cây cảnh này cũng chỉ có thu hoạch được vào vụ cuối năm mà thôi. Thế nhưng, cung cách làm ăn mới này đã không những cho người dân thu nhập cao, mà lại còn cho thu quanh năm khiến đời sống kinh tế của hầu hết gia đình đều trở nên thoát nghèo, thậm chí là khá giả.
Theo như tìm hiểu, và thông qua lời kể của một số người dân tại các làng hoa nêu trên, tôi được biết cung cách làm kinh tế mới này do vài hộ dân “tình cờ” phát hiện ra, đó là cây quất cảnh thì quanh năm lúc nào cũng ra hoa kết quả, mà cứ ra hoa, ra quả là lại phải vặt bỏ đi để đợi lứa hoa vào tháng 6, tháng 7 mới cho đậu quả để chờ bán Tết. Trong khi đó, bên nội thành Hà Nội thì nhu cầu về chanh tươi, quả quất xanh phục vụ nhu cầu của người dân tiêu dùng hàng ngày rất lớn. Nhất lại là trong những năm gần đây ngày càng có rất nhiều các hàng quán bún đậu khai trương, mà quất quả xanh dùng để pha chế mắm tôm được xem là “hợp gu”, đúng vị, nên quất quả xanh lại càng có giá. Đó còn chưa nói tới việc nhiều nhà hàng, quán cà phê cũng coi quất quả xanh là thứ nguyên liệu để pha chế đồ uống không thể thiếu, nên nhu cầu là khá lớn. Thực tế thì ở nhiều thời điểm chanh quả tươi có giá khá cao, nên không ít quán hàng, người dân chọn mua quả quất xanh cho rẻ, nên các hộ trồng quất cảnh đã hái quả mang bán thử, và họ đã chuyển hướng sang trồng để cung ứng cho thị trường. Sức tiêu thụ tốt đã khuyến khích người dân mạnh dạn mở rộng diện tích trồng quất để hái quả xanh bán hàng ngày.
Anh Nguyễn Văn Hải, một trong số các hộ đi đầu trong việc trồng quất cảnh bán quả ở xã Xuân Quan, kể: “Nhà tôi có khoảng 100 cây quất cảnh, nó cứ ra hoa đều đều, và quả thì lớn nhanh như thổi. Dăm ba ngày lại phải vặt bỏ đi để làm phân cũng mất thời gian, mà vặt được một tuần lại phải vặt quả tiếp, nên rất mệt, mất công. Thấy mấy bà hàng xóm bảo mang quả đi bán bên Hà Nội, vợ tôi mang thử khoảng chục kg lên chợ Long Biên bán, và không ngờ lại đắt hàng. Vì vậy, cứ vài ba ngày là vợ tôi lại vặt quất xanh đi bán, hôm thì được hơn trăm ngàn, hôm thì được vài trăm ngàn…”. Theo như anh Hải kể thì trung bình một cây quất trồng bán làm cảnh trong một năm chỉ cho thu nhập khoảng trên, dưới 500.000 đồng(sau khi đã trừ tất cả các chi phí), trong khi cũng cây quất ấy trồng chuyên dùng chỉ để bán quả xanh quanh năm thì giá trị kinh tế phải cao gấp 2 lần, thậm chí hơn nữa. Bình thường giá quả quất xanh khoảng 13-15.000 đồng/kg, những lúc “sốt” giá có thể lên tới gần 25.000 đồng/kg. Nếu cứ để cho một cây quất cảnh loại vừa, cao khoảng 2m ra quả bình thường, và dùng để bán quả xanh thì một năm nó có thể cho thu từ 50-60kg quả trong hàng chục lứa thu hái. Những cây to, tán rộng thì thu gần 1 tạ quả xanh/năm là bình thường. Như vậy, giá trị kinh tế của hướng trồng quất bán quả xanh mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn trồng để bán làm cảnh, đã thế lại không tốn công uốn cành, tỉa ngọn, cũng như gò thế cây…
Ở các làng hoa tại huyện Văn Giang trong những năm gần đây có khá nhiều hộ dân vừa song hành trồng quất bán quả xanh, lẫn trồng quất bán cây vào dịp Tết. Có một số hộ thì tận dụng tất cả số cây quất để phục vụ mục đích bán quả xanh trong các tháng đầu năm, còn những tháng cuối năm họ tập trung dưỡng cây, cho cây ra hoa đậu quả để bán vào dịp Tết. Chị Lê Thị Lan, ở xã Phụng Công, một người chuyên trồng quất bán quả xanh từ nhiều năm nay, cho hay: “Thực ra trồng quất kết hợp cả bán quả lẫn bán cây trưng Tết cho thu nhập cao hơn, nhưng làm như vậy khá vất vả khi cuối năm lại phải chăm chút cho cây, cho quả, mà đã thu quả từ đầu năm thì cây quất bán Tết sẽ rất xấu, quả nhỏ, lá cằn… bán không đắt hàng khi mà người tiêu dùng ít ưa chuộng. Chính vì thế nên nhà tôi từ nhiều năm nay chỉ chuyên trồng quất để bán quả xanh quanh năm mà thôi. Tôi cũng tính hết rồi, với 200 gốc quất, ngày trước dùng bán cây ngày Tết lợi nhuận chỉ được khoảng 50- 70 triệu, nhưng từ khi chuyển qua trồng theo hình thức bán quả, số cây ấy cho thu gần gấp đôi, đã thế hàng năm không phải lo chiết cành, gây dựng lứa cây mới để trồng lại sau mỗi dịp Tết bán cây. Cái lợi của trồng quất bán quả là đầu tư cây giống chỉ một lần nhưng cho thu mãi, ít cũng được gần chục năm mới phải thay một lứa cây giống mới…”.
Học tập cung cách làm ăn của một số làng hoa cây cảnh ở huyện Văn Giang (Hưng Yên), những năm gần đây cũng có không ít bà con nông dân ở các huyện ngoại thành của Hà Nội cũng đã áp dụng cung cách trồng quất cảnh bán quả xanh. Anh Lê Văn Nam, ở xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, là một người khá “thức thời” với việc trồng cây quất cảnh dùng bán quả xanh, khi cách đây 6 năm anh đã làm kinh tế theo hướng này và mang tới những thành công nhất định. Mới đây, thăm vườn quất cảnh của gia đình anh tôi thấy gần 200 gốc quất đều sai trĩu hoa, quả. Anh Nam, khoe: “Với diện tích quất này, hàng tháng tôi có thu nhập đều đặn từ 3-4 triệu đồng. Cứ hái quả bán đến đâu thì hoa lại nở đến đó vì thế quất xanh cho thu liên tục, khi chỉ vài ba ngày là lại có quả quất bán. Thường là mỗi 3 ngày một lần vợ tôi lại phải hái quả mang đi bán và nguồn thu này có quanh năm…”. Bắt chước cách làm ăn này, vài hộ hàng xóm nhà anh Nam cũng đã, đang dần chuyển hướng sang trồng quất cảnh bán quả xanh. Một số hộ thì dành một nửa số cây quất để bán quả xanh, một nửa còn lại dùng bán cây vào dịp Tết.
Ở làng hoa Mê Linh (huyện Mê Linh), theo quan sát tôi thấy những năm gần đây cũng có một số bà con nông dân đưa cây quất cảnh vào trồng để bán quả xanh, bởi họ nhận ra giá trị kinh tế khá của việc canh tác theo hướng này. Bà Trần Thị Hồng, là một trong số những người dân đi đầu trong việc trồng quất bán quả xanh tại làng hoa này cho biết: “Những năm trước nhà tôi trồng quất bán cây cảnh vào dịp cuối năm trên khoảng diện tích 1sào (360m2), và mỗi năm chỉ cho thu nhập khoảng 30-40 triệu đồng. Đã thế lại vất vả chăm sóc quanh năm, khi mấy lao động trong gia đình phải làm cật lực… Vậy mà từ 3 năm nay khi chuyển hướng sang trồng quất bán quả xanh tới giờ, nguồn thu không chỉ khá hơn nhiều mà lại còn đỡ vất. Nếu giá quất xanh cứ luôn giữ ở mức trên 20.000 đồng/kg như vài năm gần đây thì người trồng quất bán quả sẽ có lời gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với trồng quất bán cây vào dịp Tết…”.
Đúng là cung cách làm kinh tế từ việc trồng quất cảnh bán quả xanh đã, đang được không ít hộ nông dân tại nhiều làng hoa ở Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Hoà Bình, Bắc Ninh…, áp dụng, bởi hướng đi này giúp cho người nông dân ở các nhà vườn không chỉ có thu nhập cao, ổn định mà lại nhàn hạ hơn so với trồng quất cảnh bán cây. Tuy nhiên, mọi người dân, nhất là những người trồng quất cảnh nói chung cũng cần cân nhắc kỹ để có định hướng đúng, hài hoà trong việc trồng quất bán quả cũng như bán cây, để làm sao đó không mất cân đối phía đầu ra cho sản phẩm mình làm ra. Một khi “cung” vượt “cầu” thì ắt hẳn sẽ không có lợi cho người nông dân, mà bằng chứng là đã từng có rất nhiều loại cây, quả và các sản phẩm nông nghiệp khác bị rớt giá dẫn tới “rẻ như bèo”, khi mọi người dân đều ồ ạt, đua nhau trồng và sản xuất cùng một chủng loại cây trồng nào đó theo trào lưu…
Trịnh Viết Hiệp