Mục lục
VNHS - Dư âm của trận dông lốc tối 20.4 vừa qua làm đổ rất nhiều cây xanh và gây ra những thiệt hại về tài sản của người dân trên các tuyến phố Thủ đô chắc vẫn còn được nhiều người ghi nhớ.
Thủ đô Hà Nội đươc ví như một thành phố xanh bởi hệ thống những hàng cây xanh được trồng trên các tuyến phố, từ các tuyến đường trong khu phố cổ cho đến những khu đô thị hiện đại khang trang được mở rộng sau này. Hệ thống cây xanh đã góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị, giúp điều hòa không khí, cân bằng hệ sinh thái và đang góp phần tích cực vào việc cải thiện và chống lại vấn nạn ô nhiễm môi trường đô thị hiện nay.
Tuy nhiên, có một thực tế là cứ vào mùa mưa bão hoặc khi xảy ra có dông lốc lớn thì rất nhiều cây xanh trên các tuyến phố lại bị bật gốc, gãy cành nằm đổ la liệt trên các vỉa hè, đường phố. Điều này không chỉ gây ách tắc giao thông, làm thiệt hại tài sản mà thậm chí còn đe dọa đến tính mạng của những người tham gia giao thông. Dư âm của trận dông lốc tối 20.4 vừa qua làm đổ rất nhiều cây xanh, gây ra một số thiệt hại về tài sản của người dân trên các tuyến phố Thủ đô chắc vẫn còn được nhiều người biết đến.
Để bảo vệ hệ thống cây xanh trên các tuyến đường trước những mối nguy đến từ thời tiết, thời gian vừa qua trên các tuyến phố lớn như đường Võ Chí Công, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Huyên, Lê Văn Lương, Hoàng Đạo Thúy… các đơn vị trồng và quản lý cây xanh đã cho thiết lập một hệ thống những chiếc gông sắt bao bọc quanh các thân cây giúp cho cây có thêm lực để chống đỡ lại sức lay quật của gió từ những cơn dông lốc có cường độ mạnh vốn dĩ có thể làm cho cây bị đổ hoặc bật gốc, gãy cành.
Theo quan sát của phóng viên Việt Nam hương sắc, những chiếc gông này có cấu tạo gồm 4 cột bằng kim loại đặt ở 4 góc quanh gốc cây, trên đỉnh 4 cột này được liên kết bởi một vòng tròn cũng bằng kim loại. Vòng tròn này được ví như chiếc “vòng kim cô” bao bọc xung quanh thân cây và có tác dụng chống đỡ, che chở cho cây trước những cơn gió mạnh có thể rung lắc thân cây - nguyên nhân chính khiến cây bị đổ.
Nhìn chung, khi ngắm những hàng cây trên các tuyến phố được hệ thống các gông sắt này bao bọc che chở, người tham gia giao thông có thể yên tâm về tính an toàn của hàng cây trước những cơn thịnh nộ của thần Gió, tuy nhiên về hiệu quả và tác dụng thật sự của những chiếc gông sắt bảo vệ cây này thì cũng có nhiều điều cần phải bàn đến.
Đơn cử như trên tuyến đường Võ Chí Công, hai bên vỉa hè được trồng những cây giáng hương rất đẹp. Những hàng cây này được bảo vệ bởi một hệ thống những chiếc cột khung kim loại với những “vòng kim cô” bao bọc xung quanh thân cây. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà những chiếc “vòng kim cô” này đã bị bật tung các đai vít ra, tạo ra những khoảng trống quanh thân cây. Một số đai bật vít được đơn vị quản lý cây gia cố lại bằng những sợi thép mỏng manh trông rất mất mỹ quan. Nhiều người dân tự hỏi liệu những sợi dây thép ỏng manh này có chịu đựng nổi sức giật của một cơn gió khi tác dụng lên tán cây? Và hiệu quả bảo vệ cây của những “vòng kim cô” này liệu có được như ý? Rất nhiều những chiếc “vòng kim cô” kiểu đó đã tồn tại trên hệ thống những khung kim loại bảo vệ cây dọc theo tuyến đường Võ Chí Công.
Theo một người dân sinh sống trên tuyến đường này thì đơn vị trồng và quản lý hệ thống cây xanh là Công ty Công viên cây xanh Hà Nội. Cũng theo người dân này cho biết, kể từ khi trồng hàng cây này, đơn vị trồng cây (Công ty Công viên cây xanh Hà Nội) đã 2 lần thay thế hệ thống khung săt bảo vệ cây trên tuyến đường này.
Tiếp tục quan sát những chiếc “vòng kim cô” trên hệ thống khung sắt bảo vệ cây tuyến đường Phạm Văn Đồng, phóng viên nhận thấy cũng có các hiện tượng tương tự (dùng dây thép để cố định vòng đai bảo vệ cây). Điều đáng chú ý hơn là có những “vòng kim cô” có chu vi còn lớn hơn cả thân cây được bảo vệ khiến cho khoảng cách giữa thân cây với vòng đai này là khá lớn (khoảng 20 cm) và như vậy thì việc sử dụng những đai sắt này nhằm bảo vệ thân cây trước những rung lắc của gió liệu có phát huy được tác dụng?
Ở chiều hướng ngược lại, có những “vòng kim cô” lại siết chặt vào thân cây khiến cho cây không thể phát triển được và tạo ra những khối u như những dị vật rất lớn trên thân cây.
Bảo vệ cây xanh cũng là một cách bảo vệ tài sản nhà nước, giảm thiểu những rủi ro thiệt hại về tài sản của người dân, tuy nhiên việc bảo vệ phải thực sự hiệu quả và phát huy được tác dụng thì mới là điều cần phải quan tâm chú trọng. Thiết nghĩ để các cây xanh trên đường phố thủ đô có thể trụ vững được trước những cơn thịnh nộ của thần Gió, các đơn vị quản lý và duy tu cây xanh đô thị nên kiểm tra, giám sát và rà soát lại nghiêm túc cách thức triển khai thực hiện của đơn vị mình để có các biện pháp bảo vệ cây xanh hiệu quả hơn, thiết thực hơn.
Bài và ảnh : Trường Minh