Mục lục
VNHS - Sinh vật cảnh không chỉ là thú chơi nghệ thuật mà còn mang ý nghĩa bảo tồn giá trị văn hóa, phát triển kinh tế, và thúc đẩy du lịch sinh thái. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam (Hội SVCVN) đang nỗ lực củng cố nội lực, phát huy tinh thần đoàn kết và hướng tới những bước phát triển bền vững, khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Tình yêu thiên nhiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sinh vật cảnh không chỉ là nét đẹp của văn hóa, mà còn là biểu tượng của sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Trong tư tưởng và cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình yêu đối với thiên nhiên và sinh vật cảnh là một phần quan trọng, thể hiện rõ triết lý sống giản dị, sâu sắc và hướng về sự bền vững.
Ngay từ những ngày đầu hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã luôn sống hòa mình với thiên nhiên. Trong những năm tháng ở Pác Bó, hang Cốc Bó (Cao Bằng), Người không chỉ biến những vùng đất hoang sơ thành nơi ở, làm việc mà còn chăm sóc cây cối, tạo cảnh quan xanh mát.
Tư tưởng “lấy thiên nhiên làm bạn” của Bác không chỉ thể hiện qua đời sống sinh hoạt, mà còn trong các tác phẩm văn thơ nổi tiếng. Những câu thơ trong bài thơ Tức cảnh Pác Bó:
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang”.
đã thể hiện rõ nét tình yêu thiên nhiên của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi thiên nhiên không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là yếu tố giúp con người phát triển toàn diện. Theo Bác, cây cối, hoa lá là những “bạn đồng hành” nuôi dưỡng tinh thần con người, làm dịu đi những căng thẳng của cuộc sống.
Người thường khuyến khích mọi người trồng cây, bảo vệ môi trường và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên. Phong trào “Tết trồng cây” do Bác phát động vào năm 1959 không chỉ là một hoạt động thiết thực mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị cảnh quan sinh thái. Bác từng nói:
"Mùa xuân là Tết trồng cây,
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân."
Phong trào này đã trở thành truyền thống của dân tộc, là biểu tượng của sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhìn nhận thiên nhiên qua vẻ đẹp của nó, mà còn thấy giá trị kinh tế và vai trò bền vững đối với xã hội. Người luôn nhấn mạnh rằng, mỗi cây xanh, mỗi bông hoa, mỗi cảnh quan được chăm sóc đều góp phần xây dựng một môi trường sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng.
Sinh vật cảnh, từ những cây bonsai, chậu hoa đến các khu vườn rộng lớn, không chỉ tạo nên vẻ đẹp mà còn mang lại giá trị kinh tế. Tư tưởng này càng phù hợp với bối cảnh hiện nay, khi sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế quan trọng, gắn kết với phát triển du lịch và văn hóa địa phương.
Học tập theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều địa phương, cá nhân và tổ chức đã tích cực tham gia các phong trào trồng cây, bảo vệ môi trường và phát triển sinh vật cảnh. Các lễ hội hoa, triển lãm sinh vật cảnh diễn ra trên cả nước không chỉ tôn vinh giá trị thẩm mỹ mà còn nhấn mạnh tinh thần gìn giữ môi trường xanh.
Bên cạnh đó, sinh vật cảnh Việt Nam ngày nay đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Những cây cảnh quý, nghệ thuật bonsai hay vườn cảnh độc đáo không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn được xuất khẩu, mang lại nguồn thu lớn.
Từ văn hóa truyền thống đến tiềm năng kinh tế xanh
Tại Việt Nam, sinh vật cảnh đã gắn bó lâu đời với đời sống văn hóa và tinh thần của người dân. Những tác phẩm bonsai, cây cảnh, hoa lan, hay đá cảnh không chỉ là niềm tự hào của nghệ nhân mà còn là biểu tượng của sự khéo léo, tinh thần sáng tạo và tình yêu thiên nhiên.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, sinh vật cảnh không còn giới hạn ở một thú chơi tao nhã mà đã trở thành một ngành kinh tế xanh đầy tiềm năng. Theo thống kê từ Hội SVCVN, ngành này không chỉ mang lại nguồn thu đáng kể cho người sản xuất mà còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở các vùng nông thôn. Nhiều sản phẩm sinh vật cảnh của Việt Nam đã chinh phục các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.
Sinh vật cảnh đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền văn hóa truyền thống Việt Nam, góp phần thể hiện tinh thần gắn kết với thiên nhiên, tâm linh và thẩm mỹ. Ngày nay, sinh vật cảnh không chỉ giữa vai trò trang trí mà còn mang đến tiềm năng kinh tế xanh đầy triển vọng, đóng góp vào phát triển bền vững.
Trong lịch sử Việt Nam, sinh vật cảnh đã được xem như biểu tượng của sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Các loại cây như tùng, trúc, mai, lan thường xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật, thơ ca và trang trí không gian sống. Tùng biểu trưng cho sự trường thọ và kiên cường; trúc đại diện cho đức tính thanh cao, ngay thẳng; mai là biểu tượng của phát tài và phồn thịnh; trong khi lan thể hiện vẻ đẹp thanh nhã và cao quý.
Theo truyền thống người Việt, việc bài trí cây cảnh trong nhà nhân dịp Tết nguyên đán không chỉ mang ý nghĩa thẩm mỹ mà còn tác động tích cực đến tinh thần. Các loại cây như đào, mai, quất được xem như lộc xuân, gửi gắm niềm tin vào một năm mới phát tài, bình an.
Ngành sinh vật cảnh Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt khi kết hợp với công nghệ hiện đại như AI, blockchain trong quản lý, truy xuất nguồn gốc và thương mại điện tử. Bên cạnh đó, việc mở rộng hợp tác quốc tế, tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế sẽ giúp sinh vật cảnh Việt Nam vươn xa hơn, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn không chỉ trong nước mà còn trên thị trường toàn cầu.
Sinh vật cảnh, với giá trị văn hóa sâu sắc và tiềm năng kinh tế to lớn, đang góp phần tạo nên diện mạo mới cho nền kinh tế xanh Việt Nam, hòa nhập nhưng không hòa tan trong xu thế phát triển chung của thế giới.
Hiện nay, Sinh vật cảnh đang trở thành một ngành kinh tế nổi bật nhờ khả năng góp phần bảo vệ môi trường và gia tăng giá trị kinh tế. Tại hội thảo tổng kết ngành hoa và cây cảnh năm 2023, đề xuất giải pháp triển khai chương trình phát triển hoa, cây cảnh đến năm 2030", TS. Nguyễn Hữu Vạn - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, cho biết sinh vật cảnh là một trong 7 ngành nghề nông nghiệp được ghi rõ tại một số quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện nhiều địa phương đã hình thành được làng nghề sản xuất hoa, cây cảnh, sinh vật cảnh gắn với du lịch cộng đồng, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới.
Cũng tại hội thảo, PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau Quả cho hay tính tới hết năm 2023, tổng diện tích trồng hoa cả nước ước đạt 36.000ha, tăng gần 2.000ha so với năm 2022. Các loài hoa được sản xuất nhiều gồm hoa lan, hoa hồng, hoa cúc, hoa đồng tiền và hoa lay ơn, vùng trồng tập trung chủ yếu tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2023, giá trị sản xuất và tiêu thụ các loại hoa, cây cảnh của nước ta ước đạt 45.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân/ha canh tác 350 triệu đồng/năm.
Xuất khẩu hoa đang tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hoa của Việt Nam năm 2021 đạt 61,8 triệu USD, tăng 27% so với 2020. Trong đó, hoa hồng có mức tăng trưởng mạnh nhất trên 100%. Tiếp đến là hoa ly, cúc, lan hồ điệp. Xuất khẩu hoa năm 2022 đạt 67 triệu USD, tăng trưởng 6,7%. Kim ngạch xuất khẩu hoa năm 2023 ước tính đạt xấp xỉ 80 triệu USD, tăng trưởng 19,4% so với năm 2022.
Theo Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, TS Phạm Minh Thông cho rằng dư địa để xuất khẩu sản phẩm hoa, cây cảnh ra thị trường quốc tế còn rất lớn. Một vấn đề đặt ra, bên cạnh cần đầy đủ các thủ tục hải quan, sau quá trình lưu hành còn phải chứng minh được không vi phạm bản quyền giống tạo ra sản phẩm đó, thậm chí một loại hoa, cây cảnh được du nhập vào nước ta để sản xuất cho nhu cầu cho tiêu dùng trong nước vẫn có thể bị khiếu nại vi phạm bản quyền.
"Kể cả với những dòng hoa, cây cảnh truyền thống của địa phương cũng dễ bị mất quyền sở hữu giống ngay trên "sân nhà" vì hầu hết các địa phương chưa quan tâm tới công tác công bố lưu hành giống, dẫn đến thua thiệt là khó tránh khỏi”, ông Thông nhấn mạnh.(1)
Ngoài tiềm năng về kinh tế xanh, Sinh vật cảnh còn có nhiều lợi ích về môi trường như các loại cây cảnh giúp lọc không khí, hấp thụ bụi và giảm nhiệt độ đô thị. Điều này không chỉ góp phần làm đẹp không gian sống mà còn tăng cường chất lượng cuộc sống cho người dân. Đồng thời, ngành sinh vật cảnh tạo ra hàng triệu việc làm trên cả nước, từ người nông dân nhân giống đến các nhà kinh doanh quốc tế.
Thách thức trong kỷ nguyên mới
Thách thức trong kỷ nguyên mới là cơ hội để Hội SVCVN khẳng định vị thế, thúc đẩy sáng tạo và đưa ngành sinh vật cảnh phát triển bền vững trên cả quy mô trong nước lẫn quốc tế.
Trên bình diện ngành hoa cả nước, PGS.TS Đặng Văn Đông chia sẻ, hiện đã có trên 19% số doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại hoặc hộ gia đình áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất hoa ở các mức độ khác nhau như trồng hoa trong nhà có mái che, trồng hoa trên giá thể (không dùng đất), tưới nước tiết kiệm qua hệ thống nhỏ giọt tự động hoặc phun mưa tự động, sản xuất giống hoa bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật... Đặc biệt, đã có một số cơ sở ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối vạn vật (IoT) hoặc chia sẻ thông tin minh bạch trong mạng lưới kinh doanh (Blokchain) trong sản xuất hoa.
Cũng theo PGS.TS Đặng Văn Đông thẳng thắn nhìn nhận, nghề sản xuất hoa, cây cảnh ở nước ta cơ bản vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ; nhiều địa phương chưa quan tâm quy hoạch phát triển hoa, cây cảnh; chưa có sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; kỹ thuật canh tác và công nghệ sau thu hoạch còn lạc hậu so với các quốc gia trồng hoa tiên tiến. Một số vùng chuyên canh hoa còn sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, gây ảnh hưởng tới môi trường, sinh thái và sức khoẻ cộng đồng...
Chia sẻ của TS Phạm Minh Thông - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam tại hội thảo, cho rằng hoa trồng tại Việt Nam ngày càng được nhiều nước ưa chuộng nhưng chất lượng chưa đồng đều. Do đó, để có được vị thế riêng và dễ dàng trong xuất khẩu, nhà vườn và các doanh nghiệp phải chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao. (2)
Trước bối cảnh đầy thách thức, Hội SVCVN đã đưa ra nhiều giải pháp chiến lược nhằm phát triển ngành sinh vật cảnh trong kỷ nguyên mới như:
Tăng cường kết nối cộng đồng, Hội sẽ đẩy mạnh tổ chức các sự kiện, hội thảo, triển lãm sinh vật cảnh trên toàn quốc, nhằm kết nối các nghệ nhân, nhà sản xuất và người chơi, đồng thời nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa và kinh tế của sinh vật cảnh.
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại, tận dụng các nền tảng số để quảng bá, bán hàng trực tuyến, cũng như quản lý dữ liệu về sinh vật cảnh. Công nghệ không chỉ giúp sản phẩm tiếp cận thị trường toàn cầu dễ dàng hơn mà còn nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế, tăng cường giao lưu và hợp tác với các tổ chức sinh vật cảnh quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, mở rộng thị trường và khẳng định thương hiệu sinh vật cảnh Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Bên cạnh đó việc phát triển kinh tế địa phương, Hội tiếp tục hỗ trợ các địa phương phát triển nghề trồng và chăm sóc sinh vật cảnh, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt tại các vùng nông thôn.
Dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, Hội SVCVN vẫn đối mặt với không ít thách thức trong bối cảnh hội nhập và phát triển toàn cầu. Những khó khăn này đòi hỏi Hội phải có chiến lược đúng đắn và linh hoạt để vượt qua.
Thách thức trong kỷ nguyên mới, phải kể đến sự tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, việc thay đổi thất thường của thời tiết, nắng nóng kéo dài, mưa bão và lũ lụt ngày càng nghiêm trọng đang ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các loài cây và hoa. Nhiều giống cây quý hiếm, đặc biệt là lan và bonsai, bị suy giảm khả năng sinh trưởng hoặc dễ bị bệnh hơn.
Nạn khai thác rừng bừa bãi và ô nhiễm môi trường đang làm mất đi môi trường sống tự nhiên của nhiều loài thực vật quý hiếm. Điều này khiến việc bảo tồn và nhân giống các loài cây cảnh đặc biệt gặp nhiều khó khăn.
Sinh vật cảnh Việt Nam phải đối diện với thách thức cạnh tranh từ các nước quốc tế, các sản phẩm từ những quốc gia có nền sinh vật cảnh phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan và Hà Lan đã có nền công nghiệp sinh vật cảnh phát triển vượt bậc. Họ không chỉ mạnh về chất lượng sản phẩm mà còn sở hữu các chiến lược tiếp thị, xây dựng thương hiệu hiệu quả, làm gia tăng áp lực cạnh tranh lên sản phẩm của Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ và năng lực sản xuất, dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và quảng bá vẫn chưa đồng bộ, gây cản trở cho khả năng cạnh tranh của các sản phẩm sinh vật cảnh Việt Nam. Dù sản phẩm có chất lượng tốt và tính nghệ thuật cao, nhưng thương hiệu quốc gia còn chưa được khẳng định rõ nét trên thị trường quốc tế. Điều này khiến giá trị sản phẩm chưa tương xứng với tiềm năng.
Những khó khăn, hạn chế về ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, nhiều nghệ nhân và người sản xuất vẫn dựa vào phương pháp truyền thống, thiếu các ứng dụng công nghệ hiện đại trong chăm sóc, bảo quản và nhân giống. Điều này làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm.
Trong thời đại số hóa, các nền tảng trực tuyến như thương mại điện tử, quảng bá qua mạng xã hội và quản lý dữ liệu chưa được tận dụng tối ưu. Điều này làm giảm khả năng tiếp cận thị trường rộng lớn, đặc biệt là quốc tế.
Hiện tại, nhiều nghệ nhân, hộ sản xuất và doanh nghiệp hoạt động đơn lẻ, thiếu sự kết nối và chia sẻ kinh nghiệm. Điều này không chỉ làm suy giảm sức mạnh tập thể mà còn gây khó khăn trong việc xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh. Đồng thời, Ngành sinh vật cảnh hiện chưa có đủ chương trình đào tạo bài bản để phát triển đội ngũ nghệ nhân trẻ, kế thừa và phát huy kỹ thuật, kiến thức truyền thống.
Khẳng định vị thế trong kỷ nguyên mới
Hội SVCVN đã trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Từ một thú chơi tao nhã, SVC đã trở thành một ngành kinh tế với sự đa dạng về sản phẩm và quy mô. Các sản phẩm như cây cảnh, hoa cảnh, đá cảnh, chim cảnh, cá cảnh và thú cưng không chỉ mang giá trị văn hóa mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Đặc biệt, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích từ trồng hoa, cây cảnh cao gấp 10 đến 20 lần so với các sản phẩm nông nghiệp truyền thống.
Đến nay, Hội Sinh Vật Cảnh của các địa phương và cả nước, đã hiện diện tại 6.130 xã, phường, thị trấn; 418 huyện, thành phố và 57/63 tỉnh, thành phố với trên 350.000 hội viên, hơn 6.000 chi hội, trong đó có khoảng 4.600 doanh nghiệp, hợp tác, trang trại, hơn 150.000 gia trại, nhà vườn sinh vật cảnh, hình thành trên 50.000ha vùng tập trung chuyên canh hoa cây cảnh, cá cảnh, nhiều vùng sản xuất hoa cây cảnh hàng hóa ứng dụng công nghệ cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hội SVC Việt Nam đang tích cực hướng tới mục tiêu phát triển ngành kinh tế SVC toàn diện và bền vững, góp phần thực hiện các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới và khu dân cư văn minh.
Trong bối cảnh Việt Nam bước vào "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", SVC không chỉ đóng góp vào phát triển kinh tế mà còn khẳng định vai trò trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, tạo nên sức mạnh mềm giúp đất nước khẳng định vị thế và bản sắc trong kỷ nguyên mới.
Với những định hướng chiến lược rõ ràng, Hội SVCVN đang từng bước xây dựng một ngành sinh vật cảnh vững mạnh, góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Trong tương lai, sự đoàn kết của cộng đồng yêu thích sinh vật cảnh, cùng với việc tận dụng hiệu quả công nghệ hiện đại và cơ hội hội nhập quốc tế, sẽ là động lực để sinh vật cảnh Việt Nam vươn xa. Hội SVCVN không chỉ bảo vệ giá trị văn hóa mà còn mang lại những lợi ích thiết thực về kinh tế và môi trường, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Ngày 12/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ - CP đã chính thức xác định hoạt động sản xuất và kinh doanh Sinh Vật Cảnh là một trong 07 nhóm ngành nghề phát triển kinh tế nông thôn. Sinh Vật Cảnh là một trong 06 nhóm sản phẩm nông nghiệp được xét công nhận sản phẩm OCOP theo Quyết định 919/QĐ - TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ; là một trong những sản phẩm làng cần bảo tồn và phát triển gắn với phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng môi trường du lịch văn hóa; tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới…theo Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.
Ngày 26/10/2022, Bộ nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt Đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh đến năm 2030 với mục tiêu:
1. Xây dựng ngành hoa, cây cảnh từng bước phát triển bền vững; góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
2. Mục tiêu cụ thể - Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành hoa, cây cảnh giai đoạn 2022 - 2030 đạt khoảng 6 - 8%/năm. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh năm 2025 đạt khoảng 50 - 55 nghìn tỷ đồng, đến năm 2030 đạt khoảng 70 - 75 nghìn tỷ đồng. - Giá trị xuất khẩu sản phẩm hoa, cây cảnh năm 2025 đạt khoảng 130 - 150 triệu USD; đến năm 2030 đạt khoảng 180 - 200 triệu USD. - Giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất trồng hoa, cây cảnh đạt bình quân khoảng 700 - 750 triệu đồng/năm.
- Phấn đấu đến năm 2030, cả nước có khoảng 130 - 150 làng nghề hoa, cây cảnh được cấp có thẩm quyền công nhận.(3)
Ghi chú:
(1),(2).https://vneconomy.vn/nam-2023-nganh-hoa-va-cay-canh-dat-gia-tri-45-000-ty-dong.htm
(3). https://nongthonvaphattrien.vn/phat-trien-sinh-vat-canh-thanh-nganh-kinh-te-sinh-thai-co-gia-tri-cao-a12957.html
Phạm Hùng