Mục lục
Môi trường sống ở nước ta hiện nay đang ở trong tình trạng phức tạp, bức xúc cả trên bình diện cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên lẫn ô nhiễm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Làm thế nào để con người có thể thực sự sống hài hoà với thiên nhiên, với phong cảnh và sinh vật cảnh tươi đẹp trong một xã hội vẫn tiếp tục phát triển bền vững là vấn đề đặt ra hết sức gay gắt.
Trong truyền thống văn hoá dân tộc Việt Nam đã hình thành một hệ giá trị nói chung, hệ giá trị văn hoá sinh thái, sinh vật cảnh mà cốt lõi của nó là những giá trị đạo đức sinh thái. Những giá trị đạo đức sinh thái đó đã quy định, chi phối cách ứng xử của con người đối với thiên nhiên trong xã hội truyền thống. Nếu như trước đây, con người yêu thiên nhiên, quý trọng thiên nhiên bởi vẻ đẹp và giá trị vốn có của nó, thì ngày nay, ngược lại, con người, với lợi ích ích kỷ trước mắt của mình, chỉ nhìn thấy các giá trị sử dụng và thực dụng của thiên nhiên. Tất cả các loại tài nguyên thiên nhiên như rừng, đất đai, nước, khoáng sản, sinh vật cảnh... đều đang bị con người khai thác đến cạn kiệt, sử dụng lãng phí đưa đến ô nhiễm nặng nề môi trường sống. Ở nước ta, hiện tượng đó diễn ra đặc biệt rõ khi chúng ta tiến hành sự nghiệp chấn hưng và phát triển đất nước.
Việc xây dựng ý thức, đạo đức sinh thái, nhất là sinh vật cảnh, đặt ra hết sức cấp thiết. Đạo đức sinh thái, sinh vật cảnh là sự phản ánh về phương diện đạo đức hiện thực mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Ý thức, quan niệm đạo đức sinh thái, sinh vật cảnh mới phải được xây dựng trên nền tảng triết lý hài hoà giữa con người và thiên nhiên và trên cơ sở lý tưởng đạo đức "Thiên - Nhân hoà đồng" hiện đại, đó chính là ý thức sinh thái mới, xuất hiện cùng với thời đại. Có thể hiểu ý thức sinh thái mới là sự nhận thức một cách tự giác của con người về tự nhiên, về vị trí, vai trò của con người trong mối quan hệ với tự nhiên và về trách nhiệm, nghĩa vụ của con người trong việc điều khiển một cách có ý thức mối quan hệ đó. Điều này chỉ có thể có được bằng con đường tuyên truyền giáo dục dưới tất cả mọi hình thức như: Giáo dục về môi trường, về sinh vật cảnh trong các trường học từ phổ thông cho đến đại học, giáo dục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như sách, báo, truyền thanh, truyền hình, dần dần cung cấp cho con người những tri thức sinh thái, sinh vật cảnh cần thiết, trên cơ sở đó hình thành nên ý thức sinh thái mới. Quan hệ đạo đức sinh thái, sinh vật cảnh thể hiện trước tiên qua quan hệ lợi ích. Quan hệ lợi ích giữ vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi của con người với xã hội, với thiên nhiên và với sinh vật cảnh.
So với các biện pháp kinh tế và luật pháp, sự điều chỉnh lợi ích bằng đạo đức đòi hỏi ở con người một trình độ nhận thức cao hơn - trình độ tự ý thức. Đối với đạo đức sinh thái, sinh vật cảnh sự tự ý thức này còn đòi hỏi ở mức độ cao hơn. Bởi vì, trong mối quan hệ giữa con người và tự nhiên không có sự phù hợp trực tiếp về lợi ích giữa chủ thể đạo đức (con người) với khách thể đạo đức (tự nhiên). Trong mối quan hệ với tự nhiên, đạo đức sinh thái đòi hỏi ở con người một sự tự giác rất cao. Sự tự giác này chỉ có thể có được khi con người thật sự hiểu biết về tự nhiên, về sinh vật cảnh, hiểu biết được vai trò và vị trí của mình trong quan hệ với nó và có một tình yêu thiên nhiên, yêu sinh vật cảnh say mê, lành mạnh, trong sáng. Hành vi đạo đức sinh thái là biểu hiện cao nhất của đạo đức sinh thái. Hành vi đạo đức được điều chỉnh bởi một hệ chuẩn các giá trị đạo đức sinh thái.
Việc sử dụng dư luận xã hội, phong tục, tập quán, truyền thống để điều chỉnh hành vi của con người trong điều kiện nước ta là vô cùng cần thiết. Bởi vì, luật pháp chưa thực sự đi vào đời sống xã hội, chưa thấm vào ý thức của con người. Đó là một khó khăn lớn mà con người không thể dễ dàng khắc phục được. Song, một tín hiệu đáng khích lệ đang dần dần được phổ biến là ở nhiều thôn, xã nước ta đã tiến hành xây dựng các bộ Hương ước mới, góp phần điều chỉnh hành vi, ý thức, đạo đức giữa con người với thiên nhiên, với sinh vật cảnh.
Th.s Chu Hương Trà