Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Saturday, December 21, 2024 11:02:27 PM

Đôi điều về chữ Tâm và Tầm

07/11/2023

Mục lục

Trong các thú chơi nghệ thuật, chơi cây cảnh có lẽ là một trong những thú chơi “công phu” nhất theo đúng ý nghĩa nội hàm của cụm từ này. Tâm sự của người chơi cây cảnh hiện nay thường hướng tới việc chơi cây cảnh như thế nào để có ý nghĩa nhất cho mình, cho đời và cho nghề chơi ngày càng được xã hội tôn vinh. Với những trăn trở đó, tôi xin mạnh dạn trao đổi với các bạn về chữ “tâm” và chữ “tầm” trong thú chơi cây cảnh nghệ thuật. Theo tôi, chữ "tâm” ở đây được thể hiện ở sự giao hòa giữa người với cây, cây với người và cao hơn là mối quan hệ giữa những người chơi với nhau.

Một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đẹp phải đạt được 3 yếu tố cơ bản là: “Cổ”, “Kì”, “Mĩ”

Như chúng ta đã biết việc tạo ra được một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đẹp phải đạt được 3 yếu tố cơ bản là: “Cổ”, “Kì”, “Mĩ”. Để đạt được một trong những yếu tố nêu trên, người làm cây phải tốn rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc cho tác phẩm của mình. Hơn nữa, người nghệ sĩ cần phải gửi vào cây cái hồn của mình cùng sự kiên nhẫn không thể thiếu của người được gọi là “dưỡng trí”. Vậy mà trên thực tế có người không hiểu, vì “chơi ngông” hay vì thiếu hiểu biết mà đang tâm hành xử một cách thô bạo với những cây cảnh đã đạt tới tuổi thọ “bách niên thảo". Một lần tôi được bạn bè cho biết có một đại gia là người mới bước vào làng chơi tậu được 2 cây sanh cổ có tuổi đời gần 100 năm. Tôi vội vàng rủ anh bạn là người cũng đang sở hữu đôi sanh cổ thuộc hàng “báu vật” do cha ông để lại tới nhà đại gia nói trên để tận mắt chiêm ngưỡng tác phẩm của người xưa. Khi tới nơi, cả tôi và anh bạn đã vô cùng sửng sốt khi thấy 2 “cụ sanh” đã được phẫu thuật hoàn toàn bộ cành già và ngọn của cây. Trước mắt tôi là 2 gốc cây cụt lủn với bộ rễ quằn quại ôm lấy phiến đá khiến tôi toát mồ hôi. Nhìn những vết cắt trên cành cây giờ đây nhựa đã thôi không chảy nhưng chúng bết lại bầm tím như huyết đọng. Anh bạn tôi cất tiếng hỏi chủ nhân thì nhận được câu trả lời tỉnh queo vô cảm rằng: “Các cụ xưa không biết chơi nên làm cành cong queo quá, tôi mua có 30 triệu sợ gì mà không cắt”. Tôi hỏi tiếp: “Vậy anh định làm cành thế nào?”. Chủ nhân trả lời rất lạc quan rằng “Đợi mầm rồi cắt giật”. Anh bạn tôi thì thầm nửa mỉa mai, nửa đau xót. ‘ Tính kinh tế có khi có lời đấy vì mua có 2 cây bây giờ lại chả đến 7,8 cây à”. Ông chủ vội tiếp lời: “Vâng, những cành này dâm xuống có khi lại được mấy cây cỡ trung”. Một cảm giác đắng đót lan khắp người, tôi rủ anh bạn ra về mặc cho chủ nhân ra sức mời ở lại để chia sẻ kinh  nghiệm làm cây. Do nôn nóng hoặc thiếu hiểu biết vị chủ nhân đó đã làm cái việc can thiệp thô bạo vào quy trình sinh trưởng của cây và phá hỏng một tác phẩm mà bao tâm huyết của nghệ nhân đã hun đúc, gửi gắm trong đó. Anh bạn tôi tâm sự rằng, nếu người làm ra hai cây sanh nói trên còn sống và chứng kiến sự việc trên không hiểu sẽ đau lòng đến đâu! Tôi chợt nhớ đến chuyện mà công luận gần đây hay nhắc tới rất nhiều khi chúng ta đang làm hỏng các di tích lịch sử bằng cách tôn tạo, tu sửa nững di tích đó một cách thiếu khoa học như việc thay cột gỗ bằng cột xi măng ở một ngôi chùa cổ, hay thay ngói. Trở lại câu chuyện về cây  thì việc làm trên cũng làm ta thấm buồn, nhưng khi tìm hiểu thêm về nguyên nhân sâu xa của nó ta lại càng thấy buồn hơn, đó chính là câu chuyện nhân tình thế thái, là cách hành xử của những người chơi cây với nhau. Sự việc là như thế này... Chính anh bạn tôi do quá bức xúc đã đi tìm sự thật vì sao 2 cây sanh cổ có giá trị lịch sử và thẩm mĩ như vậy lại bị hủy hoại một cách dễ dàng và vô tâm đến thế. Nguyên nhân lại cũng thật vô cùng đơn giản là sự đố kị trong nghề chơi với nhau mà một nhóm người do không mua được 2 tác phẩm trên cùng nhau “hợp đồng tác chiến” khuyến khích người chủ mới cắt bỏ bộ cành của nó với lý do “ không đẹp, nếu để thì cây không có giá trị”. Người mới chơi do hiểu biết hạn chế, dễ bị mê hoặc và đi đến quyết định sai lầm mà có lẽ nhiều năm sau chưa chắc đã sửa chữa được. Hai cây sanh đó 2 năm sau được “ cải cách”những vẫn là 2 cái “phôi” cây già. Vì quá già nên việc nảy mầm ở những phần cần thiết tạo cành cho cây không có và nó cứ tồn tại như một bằng chứng sống làm cho chủ nhân luôn cảm thấy ân hận, xót xa. Tiền bạc mất có thể tìm lại được song việc bị chê cười, bị mất cảm hứng chơi thì khó có thể tìm lại. Vậy lương tâm của ai đó có bị cắn rứt không? Tôi nghĩ rằng có đấy. Những người đam mê thú chơi cây có kinh nghiệm thì nhận xét rằng: Người chơi sau chỉ cần giữ được nét đẹp của người chơi trước thì cũng đã là nghệ nhân rồi. Câu nói ấy thật đúng với nghề chơi cũng như tâm tình của người chơi. Việc bảo tồn, trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống trong chơi cây cảnh nghệ thuật như là thước đo về tâm đức của người chơi cây. Nói như vậy không có nghĩa là cứ mua cây về chơi rồi “bảo tồn”, giữ nguyên hình nguyên dạng của nó là điều kiện bắt buộc. Như vậy thì cây sẽ thiếu dấu ấn cá nhân của người chơi cũng như tính đa dạng của các dáng cây. Do đó, ngoài chữ tâm ta cũng cần phải có chữ “tầm” trong thú chơi tao nhã này. Có người cho rằng bỏ nhiều tiền bạc ra sưu tầm những cây có tiếng trong thiên hạ mang về vườn nhà mình sẽ có “tầm”, quan niệm như vậy chưa đủ. Người chơi cây muốn đạt được chữ “tầm” trước hết phải trang bị cho mình vốn hiểu biết về loại hình nghệ thuật này. Những kiến thức về loại cây, kiểu dáng, độ tuổi và quá trình sinh trưởng của cây là những điều mấu chốt. Việc giữ nguyên vẹn dáng thế, cành tán của cây hay chỉnh sửa cho phù hợp cần phải được nghiên cứu một cách thấu đáo. Đó chính là lí do mà nhiều người chơi “nổi tiếng” nhưng thiếu “tầm” phải trả học phí quá cao khi gia nhập làng chơi. Và tất nhiên cũng có nhiều người chơi dù bỏ ra không thật nhiều tiền vẫn có được các tác phẩm đẹp và được mọi người nể phục. Xã hội ngày càng phát triển, việc tạo ra các sản phẩm công nghệ cao đang làm thay đổi rất nhiều cuộc sống vật chất của chúng ta, thú chơi cây cảnh chắc chắn sẽ tồn tại và phát triển song hành cùng thời đại vì đó là món ăn tinh thần khó chán nhất một khi bạn đã bước vào làng chơi. Tuy nhiên việc chơi như thế nào để thể hiện được sự tinh tế và nét đẹp văn hóa là cái đích mà ắt hẳn người yêu cây cảnh nào cũng đều mong muốn đạt được. Để kết thúc bài viết này, tôi xin được trích câu nói của Harry Tomlinson trong tác phẩm nổi tiếng (Bonsai - The Art of Life: Bonsai - Nghệ thuật của cuộc sống): “Cây cảnh nghệ thuật sẽ làm thay đổi cuộc sống của bạn bằng sự nhân ái và đức tính nhẫn nại của chính bạn"

Ths. Đỗ Thanh 

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng